Bước sang năm 2017, giá cao su thiên nhiên tiếp tục tăng sau khi đã tăng mạnh trong năm 2016, bởi theo dự báo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), giá cao su tổng hợp tăng, thiếu cung cao su thiên nhiên do yếu tố thời tiết và kinh tế toàn cầu hồi phục (với tăng trưởng dự báo sẽ mạnh lên 3,4% trong năm 2017 so với 3,1% trong năm 2016 theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng cao su.
“Theo kịch bản kinh tế toàn cầu của IMF, nguồn cung cao su thiên nhiên sẽ thấp hơn khoảng 350.000 tấn so với nhu cầu trong năm 2017”, báo cáo của ANRPC viết.
Giai đoạn thiếu hụt nhiều nhất được cho là sẽ rơi vào khoảng từ nay tới tháng 5/2017 do các yếu tố liên quan tới thời tiết.
Thoả thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày của Hiệp hội các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất ngoài OPEC trong 6 tháng đầu năm 2017 có thể khiến giá cao su tổng hợp trở nên đắt đỏ hơn, hậu thuẫn xu hướng tăng giá cao su thiên nhiên.
Đặc biệt, thời tiết sẽ cản trở sản xuất mặt hàng này. Tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, hàng chục tỉnh miền nam đang bị lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 3 thập kỷ qua. Thái Lan chiếm khoảng 37% tổng cung cao su thiên nhiên toàn cầu và khoảng 80% sản lượng hàng năm khoảng 4,5 triệu tấn của nước này đến từ các tỉnh miền nam. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về mức độ thiệt hại, song Hiệp hội Cao su Thái Lan ước tính tổn thất về sản lượng cao su ít nhất là 5%.
“Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Cao su Thái Lan, lũ lụt chắc chắn sẽ gây tổn thất ít nhất 360.000 tấn sản lượng cao su trong năm 2017. Sản lượng cả năm nay dự báo sẽ chỉ khoảng 4,38 triệu tấn, so với 4,74 triệu tấn dự báo trước đây”, theo ANRPC.
Cơ quan khí tượng Thái Lan dự báo mưa sẽ còn kéo dài tới hết tháng 1. Tuy nhiên đó là lúc kết thúc mùa mưa, song tình hình sản lượng sẽ chưa thể cải thiện vì bước sang mùa khô cây cao su trút lá và việc thu hoạch mủ cũng bị tạm ngừng.
Theo thống kê của tổ chức này, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu, bao gồm cả những nước không thuộc ANRPC, đã giảm 0,6% mỗi năm trong giai đoạn 2014-16 trong khi nhu cầu tăng 3,2% mỗi năm.
Theo các số liệu sơ bộ, cung cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2016 đạt 11,975 triệu tấn, thấp hơn 655.000 tấn so với nhu cầu. Trong đó, sản lượng của các nước thành viên ANRPC ước khoảng 10,769 triệu tấn, giảm 2,5% so với năm trước.
Các nhà kinh doanh cao su thiên nhiên đã thắng lớn trong năm 2016 khi giá tăng rất mạnh. Đầu năm 2016 giá cao su thiên nhiên xuống thấp kỷ lục chỉ 1,2 USD/kg, nhưng đã hồi phục lên trung bình 1,6 USD vào quý 4, kết thúc năm ở 2,4 USD/kg. Giá tăng liên tiếp trong quý 4/2016 với kỳ vọng các nước OPEC và ngoài OPEC đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu.
Hợp đồng tham chiếu trên sàn TOCOM đã tăng giá 66% trong năm 2016, kết thúc năm ở 263,9 yen/kg, mức tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm; giá tại Thượng Hải cũng tăng 35% lên 18.170 NDT/tấn. Điều này trái ngược với xu hướng giá giảm trên cả 2 sàn trong 3 năm trước đó, do giá dầu tăng (tăng 24% trong 4 tháng cuối năm 2016) và đồng yen Nhật yếu đi. Giá đã tăng liên tiếp trong 4 tháng cuối năm, trong đó riêng tháng 12 tăng khoảng 15%, có lúc chạm mức cao kỷ lục 3 năm rưỡi. Tại Kuala Lumpur (Malaysia) giá loại SMR-20 thậm chí còn tăng 43% trong 4 tháng cuối năm.
Giá cao su trong nước cũng tăng mạnh theo xu hướng thế giới. Tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh cuối năm 2016, giá cao su thành phẩm loại SVR3L có lúc đạt 51.300 đồng/kg, cao su SVR10 có lúc đạt 48.200 đồng/kg. Hiện 2 loại này vẫn đang ở mức cao tương ứng 47.800 đồng/kg và 45.500 đồng/kg. Giá mủ cao su dạng nước (mủ tạp 32 độ) tại Bình Phước hiện khoảng 11.200 đồng.
Thị trường đang khởi sắc trở lại sau 4 năm rớt giá. Bên cạnh việc ảnh hưởng từ xu hướng thế giới, giá cao su trong nước tăng còn do thời tiết năm 2016 biến động thất thường do El Nino khiến sản lượng sụt giảm, và giá thấp kéo dài đã khiến nhiều người trồng cao su ngưng cạo mủ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác, thậm chí có nơi đẩy nhanh tiến độ tái canh nhanh hơn. Cây cao su từ khi trồng tới khi thu hoạch mủ mất 7 năm.
ANRPC dự báo giá cao su tổng hợp năm 2017 sẽ còn tiếp tục tăng mạnh bởi giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 53 USD/thùng, cao hơn 20,5% so với mức 44 USD/thùng năm 2016. Ngoài ra, giá hàng hoá nhìn chung sẽ tiếp tục cải thiện. IMF nhận định chỉ số giá hàng hoá tổng hợp sẽ tăng 10% trong năm 2017 so với 2016. Triển vọng giá cao su thiên nhiên do đó sẽ càng khả quan hơn.
Giám đốc điều hành của Thai Hua Rubber Pld, một trong 3 nhà xuất khẩu cao su lớn nhất Thái Lan, ông Luckchai Kittipol dự báo giá cao su sẽ trung bình trên 2 USD/kg trong cả năm 2017.
Tuy nhiên, ANRPC cho rằng có một số yếu tố cản trở đà tăng giá mạnh trong năm nay, đó là khả năng nguồn cung sẽ tăng nhiều hơn dự báo nếu giá tăng mạnh. Ngoài ra, lo ngại về những thay đổi chính sách sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ cũng sẽ hạn chế giá cao su tăng. Những hàng rào thương mại hay biện pháp bảo hộ có thể tác động bất lợi tới giá cao su và các hàng hoá khác. Giá dầu mỏ cũng vẫn là một ẩn số lớn. Nếu giá dầu giảm trở lại, giá cao su tổng hợp sẽ giảm theo.
Nhà phân tích Jiong Gu thuộc công ty Yutaka Shoji Co. ở Tokyo dự báo sau khi tăng trong những tháng đầu năm 2017, giá cao su sẽ quay đầu giảm vào tháng 6-7/2017.
ANRPC là tổ chức của một số chính phủ, được thành lập năm 1970, hiện có 11 thành viên là chính phủ các nước Cambodia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. 11 nước này chiếm khoảng 90% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2015.